Các sàn TMĐT phải nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh
Theo quy định mới nhất tại Thông tư 40 của Bộ Tài chính kể từ ngày 1/8/2021, các sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Sàn giao dịch thương mại điện tử căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển – COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1,5% tính trên doanh thu, gồm 1% thuế suất giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.
Nếu chưa khai thuế thay, nộp thuế thay được cho cá nhân, sàn thương mại điện tử phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn cho cơ quan thuế.
Trước đó ngày 15/6, Tổng cục Thuế đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Voso (Viettel Post), Postmart (Vietnam Post), Chotot… và các bên liên quan để trao đổi về nội dung mới của Thông tư 40.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, Thông tư 40 có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12/3/2021 nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Ngoài ra, đại diện các sàn thương mại điện tử cũng thắc mắc về nghĩa vụ phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Hơn nữa, sàn thương mại điện tử cũng không phải là đơn vị trả thu nhập mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam chia sẻ: Thông tư 40/2021 hiệu lực ngay từ 1/8 sẽ gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp vì trước đó chưa từng có quy định cụ thể về việc kê khai và nộp thuế thay của các sàn giao dịch thương mại điện tử. Với khoảng 35 triệu giao dịch mỗi ngày, khối lượng công việc đối với các sàn là rất lớn. Hơn nữa, các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế - dưới 100 triệu đồng một năm…
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc tài chính Công ty Shopee kiến nghị ngành thuế cần có hướng dẫn để phân biệt rõ giữa cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh, do sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ kê khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh. Việc phân định rõ sẽ giúp các sàn nâng cấp ứng dụng và triển khai đúng theo tinh thần của Thông tư 40 và ngành thuế cũng cần tính toán lại lộ trình và thời gian triển khai cho phù hợp với thực tiễn.
Từ 1/8, hàng tháng, các thông tin của người bán sẽ được sàn chuyển cho cơ quan thuế theo hình thức điện tử. Các dữ liệu phải chuyển sang thuế gồm doanh thu, tài khoản ngân hàng, hàng hóa, dịch vụ bán và thông tin cá nhân gồm họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc...
Nếu cơ sở dữ liệu thông tin hiện tại của sàn giao dịch thương mại điện tử chưa đầy đủ, các sàn phải bổ sung thông tin theo quy định chậm nhất trước ngày Thông tư có hiệu lực vào 1/8.
Bên cạnh đó, theo quy định, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải có địa điểm kinh doanh cố định, đăng ký thuế tại nơi có địa điểm kinh doanh để được cấp mã số thuế. Cá nhân kinh doanh thông qua sàn có thể là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc theo phương pháp kê khai.
Các chủ sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kê khai thuế, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Đây được coi là biện pháp "siết chặt" các hoạt động bán hàng qua thương mại điện tử của các cá nhân kinh doanh, bởi trước đó có không ít cá nhân có phát sinh thu nhập cao từ kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa đi kê khai và nộp thuế.
Các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ luôn phần thuế phải đóng trước khi chuyển tiền bán trả về cho các cá nhân kinh doanh. Đây là phương pháp khấu trừ tại nguồn. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả và tiết kiệm thời gian cũng như công sức của cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Theo thống kê, trung bình hiện nay có tới 35 triệu giao dịch/ngày qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nguồn: Tổng hợp